Dùng phóng xạ chữa ung thư gan

Hạt phóng xạ sẽ được đưa vào tận vị trí khối u để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này chưa được áp dụng tại Việt Nam, được bác sĩ Singapore công bố tại hội nghị về gan mật tổ chức ở Đà Nẵng hôm 18/8.

Giáo sư Chow Kah Hoe, giảng dạy tại trường đào tạo Y khoa sau đại học Duke-NUS Singapore, Trưởng khoa phẫu thuật Gan Mật Tụy Bệnh viện Đa khoa Singapore cho biết, phương pháp chữa trị mới này có thể giúp người mắc ung thư gan kéo dài sự sống trung bình 20 tháng. Trường hợp đáp ứng tốt bệnh nhân có thể sống lên đến vài năm.

Với phương pháp điều trị mới, các hạt phóng xạ sẽ đến đúng điểm cần tiêu diệt khối u.

Bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp này khi khối u nằm rải rác trong gan nên không thể cắt bỏ, ung thư chưa di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể và những người không bị suy gan.

Các bác sĩ sẽ đặt ống dẫn vào tĩnh mạch háng của bệnh nhân rồi đưa đầu ống đến đúng vị trí khối u. Sau đó khoảng 20.000-30.000 tia microspheres nhỏ có chứa thành phần kích hoạt yttrium - 90 sẽ được đưa vào. Những tia phóng xạ nhỏ tự tìm đường đến khu vực có khối u.

"Các tia phóng xạ có đường kính khoảng 1/3 của sợi tóc tấn công vào khối u ở gan và tiêu diệt chúng", giáo sư Chow giải thích. Ông nhấn mạnh so với xạ trị truyền thống, các tia xạ của phương pháp này được đưa đến một điểm cụ thể, trái với phương pháp chữa bệnh thông thường khi các tế bào xung quanh khối u cũng bị ảnh hưởng.

Phương pháp điều trị này được Bệnh viện Đa khoa Singapore áp dụng trên 200 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân được kéo dài sự sống trung bình sau phẫu thuật là 20 tháng. Song cũng có trường hợp sau khi điều trị, các khối u sẽ teo dần và có thể được cắt bỏ bằng sóng cao tần giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống hơn.

Chi phí điều trị theo phương pháp mới tại Singapore hiện tương đương với 500 triệu đồng. Việt Nam chưa áp dụng phương pháp điều trị này mà chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Theo các bác sĩ chuyên khoa gan mật tại Việt Nam, nguyên nhân chính của ung thư gan là do virus viêm gan. Loại virus này xuất hiện ở người châu Á nhiều hơn người châu Âu.Virus viêm gan B phổ biến hơn ở Đông Nam Á, trong khi một số vùng khác của châu Á thì virus viêm gan C lại phổ biến hơn.

Khi so sánh giữa một người có mắc bệnh viêm gan hoặc mang virus viêm gan và người không mang mầm bệnh, người mắc bệnh viêm gan hoặc mang virus viêm gan có nhiều khả năng mắc chứng ung thư gan hơn người không mang mầm bệnh. Viêm gan B gây ra khả năng mắc ung thư cao hơn viêm gan C.

Ung thư gan thứ phát có thể xảy ra khi một cơ quan khác trong cơ thể bị ung thư và di căn đến gan. Ở nhiều vùng ở châu Á, ungthư gan nguyên phát xảy ra nhiều hơn, trong khi ở châu Âu, ung thư gan thường là thứ phát.

Ung thư gan nguyên phát khó chữa trị hơn bởi virus viêm gan B gây ra những tổn thương để lại sẹo và làm gan chai lại, gây ra chứng xơ gan. Chứng xơ gan, ngay cả khi không phát triển thành ung thư gan cũng đã là một bệnh nghiêm trọng. Bệnh nhân thường phát hiện ung thư khi bệnh đã vào giai đoạn muộn.

Chiều 17/8, tại Lễ phát động phong trào toàn dân chung tay "đánh gục" virus viêm gan do Hội Gan mật Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị ngành y tế tăng cường truyền thông để người dân biết được tác hại của viêm gan virus và phòng bệnh.

Bà Doan cũng yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thực sự được duy trì một cách có hiệu quả, thực hiện các biện pháp chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con.

Ngày 17/8, tại TP HCM, các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, Hô hấp và Phẫu thuật mạch máu lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy đã có buổi hội thảo cùng các bác sĩ đến từ Bệnh viện Bumrungrad, Bangkok, Thái Lan về chủ đề phát hiện và điều trị ung thư phổi. Theo các bác sĩ, có đến gần 90% bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc chữa trị.

Bác sĩ Đặng Vũ Thông, khoa Hô hấp cho biết, bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể di căn trong vòng 6 tháng. Chính vì thế chỉ cần không thường xuyên kiểm tra sức khỏe, người bệnh đã có thể nhập viện muộn.

"Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 600 bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện, 75%-85% đến bệnh viện khi không còn có thể can thiệp", ông Thông nói.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Ngọc, trưởng khoa Nội phổi cho biết, nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư phổi nhập viện muộn do chủ quan và tuyến y tế cơ sở còn kém trong chẩn đoán.

"Nhiều phòng mạch tư cứ cho bệnh nhân dùng kháng sinh, kháng lao mà không biết bệnh nhân đã bị ung thư", ông Ngọc nói.

Thiên Chương